Tổng Công ty Ðiện tử và Tin học Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển từ những năm 70 của thế kỷ 20, đến nay đã trải qua trên 40 năm hoạt động với nhiều thăng trầm, biến động theo dòng lịch sử chính trị và kinh tế của đất nước. Sơ bộ các mốc thời gian đáng ghi nhớ trong quá lịch sử của Tổng Công ty có thể tóm tắt như sau:
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước:
- Tiền thân của Tổng công ty là Phòng Nghiên cứu Ðiện tử thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim (nay là Bộ Công nghiệp), được thành lập tháng 10 năm 1970, với gần 200 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật ngành điện tử tốt nghiệp các trường đại học trong nước và nước ngoài.
- Từ 1971-1975 Phòng Nghiên cứu Ðiện tử đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực chế tạo vật liệu, linh kiện (vật liệu từ, gốm áp điện, điện trở màng than, đi ốt điểm...) và thiết bị điện tử chuyên dụng (máy dò khuyết tật kim loại, máy siêu âm, máy hiện sóng...);
- Tháng 5/1975, Phòng Nghiên cứu Ðiện tử đã chi viện số lớn cán bộ cho các cơ sở công nghiệp điện tử vừa được tiếp quản ở phía Nam. Số cán bộ còn lại tiết tục xây dựng và phát triển Phòng Nghiên cứu Điện tử trở thành một cơ sở nghiên cứu ứng dụng của Bộ Cơ khí và Luyện kim.
Thời kỳ hòa bình lập lại:
- Năm 1980 trên cơ sở các xí nghiệp Ðiện tử của Bộ Cơ khí Luyện kim trong cả nước, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định thành lập Liên hiệp các xí nghiệp điện tử trực thuộc Bộ Cơ khí Luyện kim. Liên hiệp có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh.
- Từ 1980-1984, Liên hiệp các xí nghiệp Ðiện tử đã củng cố tổ chức, ổn định sản xuất và đặt nền móng cho sự phát triển của nghành công nghiệp điện tử Việt Nam. Sản phẩm nghe nhìn thương hiệu Viettronics của các xí nghiệp thành viên đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong cả nước và được nước ngoài biết đến.
- Liên hiệp đã đầu tư các dây chuyền sản xuất điện trở, tụ hoá, mạch in của Pháp, Italia, Tiệp Khắc (cũ). Ngoài ra còn sản xuất được tụ xoay, chuyển mạch, chiết áp cung cấp cho các xí nghiệp trong nước và xuất khẩu sang các nước XHCN cũ.
Thời kỳ mở cửa và đổi mới:
- Năm 1984, để tiện quản lý và tập trung lực lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành điện tử và kỹ thuật tin học, Nhà nước đã quyết định thành lập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) bao gồm Liên hiệp các xí nghiệp điện tử Bộ cơ khí luyện kim Công ty IBM và Cục quản lý máy tính thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Sau 4 năm hoạt động, do nhiều nguyên nhân năm 1988 Tổng cục Ðiện tử và Kỹ thuật Tin học giải thể.
- 1988 trên cơ sở các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã quyết định thành lập Liên hiệp Ðiện tử - Tin học Việt Nam trực thuộc Bộ Cơ khí Luyện kim (sau đó là Bộ Công nghiệp Nặng). Từ năm 1988 đến năm 1994 Liên hiệp Ðiện tử - Tin học Việt Nam đã hoạt động khởi sắc và có những bước phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp thành viên đẩy mạnh việc lắp ráp TV, Radio cassette từ bộ linh kiện nhập ngoại chiếm hơn một nửa số lượng TV, Radio cassette trong nước và chiếm một thị phần đáng kể các sản phẩm và dịch vụ tin học.
Thời kỳ hội nhập:
- Ngày 27/10/1995, Tổng công ty Ðiện tử và Tin học Việt Nam đã được thành lập theo mô hình Tổng công ty 90 trên cơ sở Liên hiệp Ðiện tử - Tin học Việt Nam trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nặng (nay là Bộ Công nghiệp). là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực điện tử và tin học tại Việt Nam hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là: điện tử dân dụng, điện tử chuyên dụng và công nghệ thông tin với 13 doanh nghiệp thành viên doanh thu hàng năm lên tới 100 triệu USD, gia công xuất khẩu đạt xấp xỉ 30 triệu USD/năm. Tổng công ty đã hợp tác dưới nhiều hình thức khác nhau với nhiều hãng điện tử và tin học nổi tiếng thế giới từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Châu Á, v.v... Giai đoạn này, Tổng công ty đã thành lập 6 liên doanh với nước ngoài sản xuất, kinh doanh các ngành hàng điện tử dân dụng, điện tử y tế, phụ tùng nhựa như: Liên doanh Sony Việt Nam, Toshiba Việt nam, Panasonic Việt Nam, JVC Việt Nam, Liên doanh nhựa Daewoo Việt Nam,…Bên cạnh đó, Tổng Công ty còn tham gia thành lập một số công ty cổ phần và một Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tin học. Hình thành đầy đủ mạng lưới tiêu thụ và thực hiện dịch vụ sau bán hàng trên cả nước.
- Tháng 5 năm 2004 Thủ Tướng Chính Phủ đã ký quyết định cho phép tiến hành Cổ phần hoá thí điểm 5 doanh nghiệp nhà nước ở mức Tổng công ty trong đó có Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt nam. Ngay sau đó đề án Cổ phần hoá đã được gấp rút xây dựng để trình Chính phủ. Đề án này đã được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 07.01.2005.
- Ngày 21 tháng 11 năm 2006, tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà nội và Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt nam đã thực hiện thành công phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu tiên ra công chúng.
- Ngày 03 tháng 02 năm 2007, Đại hội đồng Cổ đông lần thứ nhất, đồng thời là đại hội đồng cổ đông thành lập Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đã được tổ chức thành công tại Hà Nội.
- Ngày 01 tháng 03 năm 2007, TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN ĐIỆN TỬ VÀ TIN HỌC VIỆT NAM chính thức đi vào hoạt động với Giấy phép kinh doanh,con dấuvà mô hình hoạt động mới với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của một công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.Với quá trình hoạt động và phát triển, chức năng, nhiệm vụ của Viettronics đã có những thay đổi quan trọng theo hướng đáp ứng cơ chế thị trường và sự quản lý của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sản xuất kinh doanh theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, Tổng Công ty có 17 Công ty con và Công ty liên kết.