Mục tiêu lớn Công ty CP Điện tử Tân Bình (VTB) phấn đấu đến năm 2015 -2020 sẽ trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh. Giám đốc Công ty Ngô Văn Vị cho biết.
|
Ông Ngô Văn Vị - TGĐ Công ty CP Điện tử Tân Bình
|
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Vị, Công ty phải tập trung cải tổ lại toàn bộ, phát triển ra nhiều ngành nghề và tất cả những bộ phận trong công ty đều trở thành những đơn vị hạch toán riêng để đảm bảo kết quả kinh doanh. Trước đây Tân Bình chỉ sản xuất ti vi, đầu máy, máy tính nhưng quy mô chưa lớn, sau khi cổ phần hoá đã củng cố được 2 ngành hàng chủ lực đó là điện tử và tin học. Năm 2006, Công ty đã đưa ra thị trường nhiều mặt hàng kỹ thuật cao: LCD TV, tivi có độ phân giải cao; máy tính xách tay, máy tính để bàn; màn hình LCD. Đặc biệt, Công ty đã phát triển thêm mặt hàng điện lạnh, với những chiếc tủ lạnh, máy giặt thương hiệu VTB nhanh chóng được người tiêu dùng tín nhiệm. Mới đây, Công ty đã mở rộng quy mô sản xuất, đưa vào vận hành nhà máy sản xuất tủ lạnh (150 tỷ đồng), với công suất 70 nghìn cái/năm.
Giám đốc Ngô Văn Vị giải thích về việc xây dựng nhà máy sản xuất tủ lạnh trong lúc nhiều ngành, nghề đang lao đao vì suy thoái: “xây dựng nhà máy không phải là sự phiêu lưu hay mạo hiểm, đánh đổi bằng thất bại khi nền kinh tế lâm vào suy thoái nặng nề. Chúng tôi đã có tính toán rất chi tiết và dựa trên nền tảng của sự tăng trưởng ngay trong thời điểm khó khăn này, mức tăng trưởng trong năm nay của VTB sẽ tăng lên 20% so với năm 2008”.
Hiện 5 lĩnh vực mà VTB đang sản xuất và kinh doanh: điện tử, điện dân dụng, điện lạnh, công nghệ thông tin, bất động sản và văn phòng cho thuê. Riêng bất động sản công ty đang quản lý gần 10 nghìn m2 văn phòng và đang triển khai một dự án xây dựng khu cao ốc văn phòng khác. Bên cạnh đó, công ty cũng đã bắt đầu nghiên cứu sang lĩnh vực viễn thông. Ngoài ra trong lĩnh vực công nghệ thông tin VTB còn cung cấp những sản phẩm phần mềm ứng dụng, công nghệ mạng cho thị trường trong nước.
|
Để đưa VTB sớm trở thành tập đoàn kinh tế lớn, Công ty đã niêm yết cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán nhằm thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài.
Mặc dù kinh doanh đa ngành nghề, nhưng không vì thế mà sản xuất, kinh doanh của công ty bị giảm sút (vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng 60 – 70%). Hiện nay, ngoài 200 nghìn chiếc ti vi phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước, VTB đang tìm những đối tác để xuất khẩu sang thị trường Đông Nam á, Myanma, Cuba… sản phẩm chủ chốt là ti vi, đầu máy VCD và karaoke, các loại máy tính, âm ly, loa, tủ lạnh, máy giặt…
Về cơ chế chính sách hiện nay, Công ty Tân Bình cũng đang gặp phải những phiền hà: thủ tục hành chính còn rườm rà, nhất là thủ tục hải quan làm khó cho doanh nghiệp khi đi giao nhận hàng. Thêm vào đó chi phí ở cảng Sài Gòn cao (1 côngtenơ/100 USD), các chi phí khác cũng rất cao ảnh hưởng đến giá thành của doanh nghiệp. Mặc dù VTB tiếp cận vốn vay ngân hàng không gặp trở ngại, tuy nhiên với những sản phẩm của VTB bán với giá kích cầu của Chính phủ lại không được ưu ái. Điển hình là sản phẩm VTB chủ yếu hướng vào thị trường nông thôn, người nông dân muốn tiếp cận với vốn vay kích cầu để mua sản phẩm điện tử, điện lạnh phải hoàn thành đến 9 bộ hồ sơ, kèm theo đó là thời gian đi lại 5 – 7 lượt. Do vậy Nhà nước cần nới rộng thủ tục hành chính cho người nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.