• Bước chuyển mình phát triển mới của Tổng CT CP Điện tử và Tin học Việt Nam
  • 14:28 12/02/2010
  • Ban biên tập Website xin giới thiệu bài viết của Ông Nguyễn Việt Hùng - Uỷ viên HĐQT, Trưởng Ban Phát triển kinh doanh và Công nghệ.

    Đã 3 năm kể từ khi gia nhập WTO tháng 1 năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn hội nhập sâu. Các doanh nghiệp sản xuất điện tử trong nước phải đối mặt với khó khăn không cân sức chưa từng có, bắt buộc cạnh tranh với hàng điện tử, điện lạnh, tin học… nhập khẩu nguyên chiếc với mức thuế suất bảo hộ thấp. Đặc biệt, năm 2008 khi mức độ bảo hộ hàng nội địa trong khuôn khổ AFTA bị xoá bỏ hoàn toàn, cùng với việc thực thi các cam kết khác của mình trong khuôn khổ WTO, FTA,… đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hết sức gay gắt, dẫn đến tình trạng cực điểm đến mức, nhiều nhà sản xuất nước ngoài với vốn FDI cũng buộc phải tái cơ cấu sản xuất, thậm chí bỏ sản xuất, chuyển sang nhập khẩu và phân phối các sản phẩm từ các trung tâm sản xuất trong khu vực ASEAN. Điển hình một số nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử như Sony, Toshiba,… đã tiến hành thu hẹp sản xuất tại các Liên doanh, thành lập mới các công ty phân phối 100% vốn nước ngoài, để thu lợi từ thương mại, phù hợp hơn với chính sách và lộ trình Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO.

    Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, sau khi tiên phong cổ phần hóa thành công dạng TCty 90, chuyển đổi từ Tổng công ty 100% nhà nước sang Doanh nghiệp cổ phần hoá, Lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC) trong 3 năm gần đây đã chủ động “bươn chải” từng bước vượt qua khó khăn nội tại chủ trương kiên định tái cơ cấu phát triển sản phẩm truyền thống của Tổng Công ty, phù hợp với tình hình kinh tế quốc tế, kinh tế khu vực, tình hình đầu tư trong nước và khả năng nội tại, tiềm năng phát triển lớn lao của chính Tổng Công ty.

    Tháng 4/2009 HĐQT Tổng Công ty đã mạnh dạn bổ nhiệm Q. Tổng Giám đốc mới, giao trọng trách cho Kỹ sư Lưu Hoàng Long, bước vào năm Canh dần ở tuổi 37, làm Lãnh đạo TCty, trẻ chưa từng có trong Lịch sử phát triển của Tổng Công ty. Nhớ lại tiền thân của TCTy là Tổng Cục Điện tử và kỹ thuật tin học Việt Nam, Q. Tổng Cục Trưởng lúc đó, là Tiến sỹ Trịnh Đông A, nguyên Trung Tá, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm năm 1984.

    Con đường tồn tại để phát triển duy nhất hiện nay của Tổng Công ty là Chuyển đổi, Chuyển đổi và Kiên quyết Chuyển đổi. Chuyển đổi toàn diện để hoàn thiện hơn, về Danh mục Sản phẩm, Quy chế Quản lý, Phương thức trả lương, Cơ cấu tổ chức, bố trí Nhân sự, Giám sát … đều phải xuất phát từ Nguyên tắc Quản lý Kinh doanh phải Hiệu quả, phải Phát triển. Từng Bộ phận, Quy trình xử lý, từng vị trí công tác, năng lực cán bộ cần được rà soát một cách khoa học khách quan để điều chỉnh, bố trí, bồi dưỡng hoàn thiện… Đây là quá trình hết sức quan trọng cấp thiết nhưng lại đòi hỏi hết sức thận trọng và tôn trọng Người lao động, khơi dậy sự tự giác Lao động Sáng tạo kết hợp Lòng tự trọng, tự hào đúng mức và khiêm nhường học hỏi, cộng tác giữa các cán bộ, các bộ phận, các đơn vị, và cả các lớp thế hệ.

    Tinh thần Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy những lợi thế sẵn có của Tổng Công ty, tích hợp nhân tố mới, nguồn lực mới cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần Quyết định 75/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Thủ tứơng phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020, cũng như Đề án tăng tốc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin, đang trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

    Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đã chuyển trọng tâm đầu tư, duy trì ở mức hợp lý sản xuất sản phẩm truyền thống, thương hiệu quen thuộc Viettronics đem lại lợi nhuận ổn định, tăng cường đầu tư sản xuất những sản phẩm mới, giá trị gia tăng nội địa cao hơn, với hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ tích tụ cao hơn nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm và kênh thị trường rộng khắp cả nước, mở ra sản phẩm mới trong điện tử chuyên dụng, đồng hồ đo điện tử, sản phẩm điện tử y tế kỹ thuật cao, các sản phẩm đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, lò đốt rác...

    Tự tin bước vào Canh dần, đội hình Tổng Công ty VEIC đã có thêm 2 Doanh nghiệp Cổ phần mới thành lập, với tập thể lao động đầy sức trẻ và năng động, gắn bó vì họ cũng chính là cổ đông của Công ty, đó là Công ty CP Công trình Viettronics, VNC, và Công ty CP Viettronics Công nghiệp, VCN.

    Tổng Công ty đã hình thành việc phân loại để tăng cường liên kết hữu cơ ngành hàng theo lĩnh vực chính của các Công ty có vốn góp của Tổng công ty theo 4 nhóm sau:

    Nhóm SXKD thuộc lĩnh vực điện tử dân dụng truyền thống: Công ty CP Điện tử Tân Bình VTB, Công ty CP Điện tử Thủ Đức VTD, Công ty CP Điện tử Biên Hoà , Công ty CP Điện tử Bình Hoà.

    Nhóm SXKD thuộc lĩnh vực điện tử Công nghiệp chuyên dụng: Công ty CP Viettronics Đống Đa VDD, Công ty CP Công trình Viettronics VNC, Công ty CP Viettronics Công nghiệp VNC, Công ty CP Điện tử Hải Phòng HAPELEC.

    Nhóm SXKD thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin & truyền thông: Công ty CP Công nghệ Thông tin Genpacifics, Công ty CP Máy tính và Truyền thông Việt Nam VIFCOM, Công ty CP Xuất nhập khẩu Điện tử Việt Viettronimex.

    Nhóm SXKD thuộc lĩnh vực điện tử khác và dịch vụ đầu tư linh hoạt: Công ty CP Điện tử và Viễn thông Nghệ An NALECO, Công ty CP Cơ khí Điện tử Phú Thọ Hoà, Công ty CP Máy tính Việt Nam, Công ty CP Dịch vụ Điện tử Việt.

    Về đào tạo, TCTy có Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics với 5000 học viên Cao đẳng và Trung cấp, 200 giáo viên, có nhiệm vụ cung cấp lao động chuyên ngành, chất lượng cho kinh tế nước nhà và đang định hướng liên kết đào tạo để xuất khẩu. Hiệu trưởng, Lãnh đạo mới của Trường còn có sứ mệnh tương lai là xây dựng, sử dụng các đội ngũ nghiên cứu từ các thày cô, học viên trong trường, họ sẽ là nòng cốt để xây dựng Viện Viettronics, cùng với tập thể chuyên gia kỹ thuật công nghệ trong nước, của VEIC, và của các đối tác nước ngoài (Mỹ, Nga, Belaruss, Tiệp, Singapore… theo mối liên kết mềm hữu cơ.

    Căn cứ vào xu hướng thị trường công nghiệp điện tử từ năm 2010 và những năm tiếp theo, ngoài phát triển sản phẩm chủ yếu về sản phẩm điện tử dân dụng truyển thống của các Công ty thành viên, Tổng công ty tập trung đầu tư, sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ yếu lĩnh vực công nghệ cao như: Công nghiệp năng lượng, công nghệ thông tin, dịch vụ, hệ thống tự động điều khiển, quan trắc, thông tin liên lạc cho các nhà máy quy mô lớn trong các ngành điện, xi măng, dầu khí, đèn LED và các hệ thống chiếu sáng theo công nghệ mới, công nghệ cao và đặc biệt là tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch, thiết bị điện tử y tế kỹ thuật cao, dụng cụ đo lường kỹ thuật số sử dụng công nghệ mới và các giải pháp phần mềm hỗ trợ. TCty tiếp tục cung cấp dịch vụ và các sản phẩm công nghệ tin học bao gồm phần cứng và phần mềm, thiết bị thông tin phục vụ phòng chống thiên tai trên biển, theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007) giao cho Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Công ty tiếp tục nghiên cứu, chế thử, đánh giá thực nghiệm và kiến nghị trang bị cho tàu thuyền đánh bắt hải sản.

    Nhóm chuyên gia trẻ của VEIC đang sung sức trong nghiên cứu ứng dụng sản phẩm Điện tử công nghiệp và phần mềm: Hệ thống điều khiển DCS và PLC–SCADA cho các ngành công nghiệp, năng lượng, đóng tầu, dầu khí, thiết bị điều khiển turbine hơi, turbine nước. Thiết bị đo năng lượng (đo điện, đo nước, đo cho ngành dầu khí), thiết bị BMS (quản lý tòa nhà thông minh) và home automation (tự động hóa tòa nhà vừa và nhỏ). Thiết bị điện tử công suất cho các ngành công nghiệp và công nghệ thông tin: các loại nguồn DC cho các ngành công nghệ thông tin, nhà máy công nghiệp; các loại Tủ kích từ cho máy phát điện và động cơ đồng bộ, biến tần điều khiển động cơ, tủ kích từ máy phát điện và động cơ: Unitech 1000 và Unitech 3000, tủ điều khiển turbine, hệ thống lọc bụi tĩnh điện.

    Tên tuổi thương hiệu Viettronics cũng đang xuất hiện nhiều hơn trong Tổng thầu EPC của phần điện và điều khiển cho các nhà máy công nghiệp: Nước, xi măng, dầu khí, hóa chất, tổng thầu EPC của các hệ thống lọc bụi tĩnh điện và lọc bụi túi cho các nhà máy công nghiệp.

    Nhóm sản phẩm linh kiện và thiết bị phụ trợ, Tổng Công ty trong 2010 sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các công ty thành viên để tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm này. Hiện nay nhu cầu thị trường nội địa về nhóm sản phẩm này rất lớn, nhưng hầu hết các công ty đầu tư nước ngoài tại Việt nam vẫn phải nhập khẩu.

    Tổng Công ty đang tập trung chuyên gia để nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm điện tử y tế: Máy theo dõi bệnh nhân. Máy SPO2 cầm tay, Máy siêu âm chuẩn đoán, máy điện tim các loại, tiếp tục nâng cấp các loại nồi hấp tiệt trùng, các loại tủ sấy tiệt trùng.

    Vượt qua một số tồn tại, bất cập trong thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp điện tử đã được đổi mới đáng kể theo hướng ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu của cơ chế thị trường, song sự chuyển biến này còn chậm trễ. Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp điện tử đôi khi còn chồng chéo nhau, các cơ quan thuộc nhiều Bộ khác nhau đan xen trách nhiệm và quyền hạn trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách đối với sự phát triển của công nghiệp điện tử trong khi sự phối hợp hoạt động của các cơ quan này còn ở mức độ thấp, chưa kịp thời, chặt chẽ, toàn diện và triệt để. Việc thực thi các chính sách thuế thường quá phức tạp, chi tiết đến từng loại mẫu mã, cứng nhắc, khô cứng, trong khi ngành công nghiệp điện tử lại có tốc độ thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng, kích thước của các linh kiện rất nhanh theo hướng ngày càng nhỏ, gọn và tích hợp nhiều tính năng sử dụng. Việc này gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra hải quan cũng như xuất nhập khẩu linh kiện, cho việc hoàn thuế giá trị gia tăng, việc thực hiện chính sách trợ giúp sản xuất. Giá cả dịch vụ trong một số lĩnh vực như điện lực, bưu chính viễn thông và một số hoạt động thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, phí vận tải… chưa hợp lý đẩy chi phí sản xuất sản phẩm điện tử lên cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm điện tử Việt Nam ngay tại thị trường trong nước và các nước trong khu vực. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách nội địa hoá, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp trọng điểm bằng cách giảm thuế nhập khẩu nhưng do tính phức tạp, rườm rà, của các thủ tục, biểu thiếu linh hoạt thiếu cập nhật kịp thời nên doanh nghiệp rất khó được hưởng lợi ích từ chính sách này.

    Mong muốn các cơ quan có trách nhiệm lưu tâm nghiên cứu những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm trễ trong việc đổi mới cơ chế, chính sách phù hợp để ngành công nghiệp điện tử phát triển nhanh, đảm bảo tính cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế.

    Sự phát triển của khoa học và công nghệ sẽ dẫn đến những thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm điện tử trên thị trường và tạo ra sự kết hợp đan xen giữa lĩnh vực sản xuất thiết bị xử lý dữ liệu với thiết bị điện tử dân dụng và thiết bị điện tử công nghiệp, giữa cố định và di động, đa chức năng, đa phương tiện. Tuy nhiên, thị trường hàng điện tử vẫn tiếp tục chịu sự chi phối của thị trường linh kiện. Trong đó, các linh kiện bán dẫn là nền tảng của công nghiệp điện tử có tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng giá trị thiết bị điện tử (khoảng 50% trị giá linh kiện nói chung). Các yếu tố cung - cầu về linh kiện điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thị trường hàng điện tử trong những năm tới, do đó đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước như sau:

    Đặc biệt khuyến khích, ưu đãi đầu tư (cơ sở hạ tầng, chính sách thuế,…) cho các doanh nghiệp với mục đích đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất linh phụ kiện, thiết bị điện tử công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng… Nâng cao năng lực cho các doanhg nghiệp công nghiệp điện tử phù hợp với định hướng quy hoạch của ngành dựa trên các chính sách tạo môi trường cạnh tranh cho phát triển và nâng cấp công nghệ; chính sách chuyển giao công nghệ và tri thức; chính sách đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai. Hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm cho các doanh nghiệp thông qua việc xây dựng một số chương trình xúc tiến xuất khẩu điện tử, bao gồm tăng cường các cơ hội tiếp cận thị trường ngoài nước cho các doanh nghiệp, cải thiện điều kiện tài trợ xuất khẩu. Tăng cường phổ biến thông tin cho doanh nghiệp, tận dụng thông tin của các Thương vụ Việt nam tại nước ngoài. Phát triển xuất khẩu các sản phẩm điện tử đến các thị trường mà ngành công nghiệp điện tử còn kém phát triển, mức sống dân cư còn thấp, trình độ tiêu dùng chưa cao như thị trường một số nước Trung Đông, các nước Châu Phi hoặc Mỹ La tinh. Tìm kiếm và phát triển thị trường ngách cho xuất khẩu các sản phẩm điện tử như Mianma, Cuba, Triều Tiên. Tăng cường xuất khẩu “tại chỗ” bằng cách tăng cường cung ứng các dịch vụ đầu tư vào linh kiện cho các nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dưới hình thức gia công tái xuất. Từng bước gia tăng sử dụng nguyên liệu, linh kiện trong nước sản xuất. Tăng cường hỗ trợ đầu tư cho Trường trong doanh nghiệp như VTC của VEIC. Tập trung đầu tư và ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cao, nhập khẩu công nghệ đào tạo tiên tiến, hiên đại.

    Tổng công ty đang tập trung xây dựng định hướng phát triển các sản phẩm mới, phù hợp với định hướng của Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Tổng công ty hy vọng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm điện tử dân dụng và chuyên dụng tiết kiệm năng lượng để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, mạnh dạn chỉ định doanh nghiệp đủ năng lực tham gia Chương trình lớn Chương trình cơ khí trọng điểm, Dự án sản xuất Nhà máy điện 300MW trong nước, Chế tạo sản phẩm điện tử y tế trong nước, thay thế hàng nhập ngoại và xuất khẩu.

    Năm Canh Dần, một năm quyết liệt đầy thách thức cho những Doanh nghiệp biết tận dụng quy luật thị trường, biến khó khăn thành cơ hội, biết sử dụng sức mạnh tổng hợp để phát triển, phát huy sức sáng tạo của Người Lao động phát huy Thương hiệu, Trí tuệ, Động Lực và Đạo đức kinh doanh lành mạnh. Hy vọng TCTy Cổ Phần Điện tử Tin học Việt Nam, VEIC là một doanh nghiệp xứng tầm như vậy, và sẽ sớm trở thành một Tập đoàn VIETTRONICS như ý nguyện và quyết tâm của nhiều thế hệ lao động tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp trí tuệ này.

  • Nguyễn Việt Hùng